ĐỀ NGHỊ TẤT CẢ NGƯỜI THU NHẬP THẤP ĐỀU ĐƯỢC HƯỞNG HỖ TRỢ NƠXH
Chiều 26.10,Đảmbảongườithunhậpthấptiếpcậnnhàởxãhộyo88 tiếp tục kỳ họp 6 Quốc hội XV, Quốc hội thảo luận về luật Nhà ở sửa đổi.
Liên quan tới phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), đại biểu (ĐB) Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) bày tỏ băn khoăn với quy định sử dụng vốn nhà nước để xây dựng NƠXH để cho thuê, cho thuê mua (với vốn đầu tư công) và có thể bán, cho thuê, cho thuê mua (với nguồn vốn khác của nhà nước).
Ông Thành cho rằng vốn của nhà nước nên tập trung cho xã hội để hỗ trợ phát triển NƠXH, chứ không nên đầu tư trực tiếp bằng ngân sách vào nội dung này. Theo ông, nhà nước chỉ nên xây dựng NƠXH trong một số lĩnh vực, công trình cụ thể. "Quan điểm chung là tiền ngân sách nên hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng NƠXH thông qua chính sách thuế, chính sách hỗ trợ về tiền sử dụng đất, coi như khoản nhà nước bù vào đó thì thúc đẩy phát triển NƠXH tốt hơn", ông Thành nói. Cạnh đó, ông Thành cho rằng khi nhà nước bỏ ngân sách xây dựng NƠXH cũng phải tính đến việc bảo trì, bảo hành, quản lý sau khi đầu tư xây dựng.
Ông Thành cũng đề nghị dự thảo luật tiếp cận NƠXH theo hướng rộng hơn. Theo ông, NƠXH là nhà ở cho xã hội, tức cho các nhóm đối tượng khác nhau chứ không đơn thuần bó hẹp cho một số nhóm đối tượng chính sách. "Hiện nay dự thảo luật đang quy định cho một số nhóm đối tượng chính sách và thêm nhóm thu nhập thấp. Tuy nhiên, xu hướng trên thế giới tiếp cận theo hướng xã hội có nhiều phân khúc khác nhau. Tôi đề nghị luật thiết kế nên mở theo hướng đó", ông Thành kiến nghị.
Nhiều ĐB cũng bày tỏ băn khoăn với các quy định liên quan tới đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH. ĐB Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho rằng mặc dù dự thảo đã liệt kê 12 nhóm đối tượng, song thực tế không bao quát hết những người thu nhập thấp. Bà Hà đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH là những người thu nhập thấp bất kể họ là ai, chứ không liệt kê thành 12 nhóm đối tượng như dự thảo. Bên cạnh đó, điều kiện về thu nhập để hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH đang được giao cho Chính phủ quy định, theo bà Hà là không nên. "Tôi cho rằng phải quy định ngay từ dự thảo nhằm đảm bảo tính thực thi ngay khi luật có hiệu lực, tránh tình trạng luật chờ nghị định", bà Hà nhấn mạnh.
Đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH là những người thu nhập thấp bất kể họ là ai, chứ không liệt kê thành 12 nhóm đối tượng như dự thảo.
ĐB Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh)Tương tự, ĐB Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí người có thu nhập thấp được hưởng chính sách về NƠXH. Theo ông Đức, NƠXH cho người có thu nhập thấp là mục tiêu, định hướng chính sách cũng là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc quy định 12 nhóm đối tượng được mua NƠXH như dự thảo luật là chưa phù hợp. Theo ĐB Đức, quy định này chưa xác định rõ và đầy đủ đối tượng được hưởng chính sách, trong đó chính sách hỗ trợ quan trọng nhất là NƠXH cho người có thu nhập thấp. Mặt khác, hiện việc xác định thế nào là người có thu nhập thấp chưa được quy định cụ thể. Thực tế các địa phương khi triển khai cũng gặp nhiều vướng mắc. Ông Đức đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí người có thu nhập thấp đối với từng đối tượng cụ thể để đảm bảo chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng được hưởng cũng như quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp...
Trao đổi thêm bên hành lang Quốc hội, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phản ánh tình trạng các chủ đầu tư thường phản ánh họ không mặn mà khi đầu tư vào NƠXH dù đã được ưu đãi các chính sách về thuế. Bà Nga cho biết những dự án NƠXH thu hồi vốn rất khó bởi quá trình xét duyệt hồ sơ mua nhà rất lâu, liên quan đến nhiều cơ quan, thủ tục; giá bán cũng bị khống chế. Trong khi đó, với nhà thương mại thì việc thu hồi vốn rất nhanh.
Tranh luận Tổng liên đoàn Lao động VN làm chủ đầu tư NƠXH
Cũng liên quan đến NƠXH, vấn đề được nhiều ĐB tranh luận là có nên giao cho Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN làm chủ đầu tư NƠXH cho công nhân hay không. So với dự thảo trình tại kỳ họp 5 trước đó, Chính phủ đề nghị chỉnh lý theo hướng Tổng LĐLĐ VN chỉ làm chủ đầu tư NƠXH để cho công nhân, người lao động thuê (không bán).
Nhiều ĐB đồng tình với đề xuất giao cho Tổng LĐLĐ VN làm chủ đầu tư NƠXH để công nhân, người lao động thuê. ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nói bà tán thành việc trao quyền cho Tổng LĐLĐ VN làm chủ đầu tư NƠXH. Theo bà Nga, đây là quy định với mục đích rất nhân văn; góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển NƠXH chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, bà Nga đề nghị mở rộng đối tượng được phép thuê NƠXH do Tổng LĐLĐ VN đầu tư, bao gồm tất cả đối tượng thuộc diện được hỗ trợ chính sách về NƠXH.
Cũng có quan điểm đồng tình, song ĐB Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) đề nghị Tổng LĐLĐ VN cần có giải pháp cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của dự án đầu tư, do đây là các dự án nhà ở cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài. "Đề nghị Tổng LĐLĐ VN có những cơ chế, chính sách hợp lý để quản lý, thực hiện việc đầu tư và cho thuê NƠXH để nâng cao hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí các nguồn lực đầu tư", ông Luận nói.
Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng việc để Tổng LĐLĐ VN thành chủ đầu tư NƠXH chưa thỏa đáng. "Công đoàn là người đại diện tiếng nói cho người lao động, bây giờ lại thành chủ đầu tư thì khi nhà ở có vấn đề, ai sẽ là người đại diện cho người lao động nói tiếng nói của họ?", ông Cường phân tích. Từ đó, ĐB TP.Hà Nội đề nghị công đoàn có thể được đầu tư nhà ở cho người lao động nhưng chỉ là dự án mẫu để làm điển hình, để làm cơ sở so sánh, để công đoàn có tiếng nói với "lực lượng" khác.
ĐB Tô Văn Tám, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, cho biết trước đây Chính phủ đã có các quy định về xây dựng thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, trong đó có nhà ở. Theo ông Tám, trong quá trình thực hiện cũng còn nhiều vấn đề, song chưa thấy Chính phủ có tổng kết, đánh giá xem "đã chín", "đã rõ" để đưa vào luật hay chưa. Cạnh đó, ông Tám cho rằng theo các quy định thì việc xây dựng nhà ở để bán, kinh doanh, cho thuê phải thuộc về tổ chức kinh tế có giấy phép kinh doanh nhà ở theo luật về doanh nghiệp, đầu tư.
Lý do nữa là việc giao cho các tổ chức chính trị làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho thuê chưa phù hợp với yêu cầu tách biệt giữa chức năng của quản lý nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị - xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh. "Theo tôi, chưa nên quy định giao Tổng LĐLĐ VN làm chủ đầu tư NƠXH trong luật mà nên thực hiện các quyết định hiện hành, sau đó tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng rồi mới luật hóa", ông Tám đề nghị.
Quy định thời hạn sở hữu hay thời hạn sử dụng nhà chung cư?
Thảo luận về nội dung sở hữu nhà chung cư, dù đa số ĐB đều tán thành việc chung cư phải quy định thời hạn sở hữu, song vẫn có ý kiến băn khoăn.
Theo ĐB Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, việc không quy định thời hạn sở hữu khiến việc sửa chữa các nhà chung cư cũ hiện nay rất khó khăn. "Hiện các chung cư cũ chủ yếu là người không chuyển đi được hoặc không có điều kiện. Có những nhà 4 - 5 hộ ở trong một chung cư hơn 100 m2, nếu bảo đóng góp để phá dỡ xây dựng cái mới thì rất khó giải quyết, thỏa thuận", ĐB Hạ nêu. Việc quy định rõ thời hạn giúp người dân có đầy đủ thông tin khi giao dịch, chuyển nhượng, mua bán, đảm bảo cao nhất lợi ích.
Cùng quan điểm này, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) lo ngại: "Nếu không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư thì trong tương lai toàn nhà chung cư cao tầng, nhất là ở các đô thị lớn, không cách nào xử lý, rất bức xúc cho con cháu chúng ta". Cùng một tòa nhà, thiết kế, độ bền như nhau nhưng nếu mang ra bán thì giá nhà có thời hạn sở hữu là vừa phải, nhưng nhà sở hữu không thời hạn giá rất cao. Trong khi phần tiền chênh lệch này không phải người mua nhà được hưởng lợi mà chỉ có nhà đầu tư hưởng.
"Khi chung cư đó hết hạn phải phá đi, thì người mua nhà vẫn phải đóng tiền để xây dựng lại. Người mua có thời hạn muốn mua nhà mới cũng phải đóng tiền. Nói cách khác, quyền lợi như nhau nhưng người bỏ tiền ra chỉ vì cái danh "sở hữu không thời hạn" sẽ phải trả tiền nhiều hơn", ông Cường nêu. Theo ông, dự thảo luật Đất đai nói sở hữu đất không thời hạn, nhưng luật Đất đai cũng đang sửa. Theo đó, cần sửa theo hướng với chung cư nên có thời hạn, người dân có thể thuê trả tiền một lần theo tuổi thọ và thời hạn công trình. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên, không xảy ra tình trạng "nhà hết thời hạn rồi, quyền sở hữu đất còn nhưng nhà không còn".
Trong khi đó, ĐB Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) lại cho rằng dự thảo luật đã phân biệt rất rõ về thời hạn sử dụng và vấn đề sở hữu. Cơ sở chính trị và thực tiễn của quy định nhà chung cư có thời hạn sở hữu chưa đủ độ chín, do luật Đất đai chưa đặt vấn đề quy định đất ở, đất xây dựng nhà có thời hạn.
Từ phía cơ quan thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng dự thảo luật Nhà ở phân biệt rất rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư với việc có quy định hay không thời hạn sở hữu nhà chung cư, đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định khi lập đồ án thiết kế nhà chung cư, phụ thuộc các yếu tố khác như tự nhiên. Nếu vẫn sử dụng tốt thì không nên đặt vấn đề phá dỡ vì sẽ lãng phí.
Dự thảo luật cũng quy định về kiểm định chất lượng, khi hết thời hạn hoặc chưa hết thời hạn nhưng có những yếu tố không an toàn thì phải tiến hành kiểm định. Đây sẽ là cơ sở để đánh giá tiếp tục cho ở hay cần phải phá dỡ để xây dựng lại.
Song ông Tùng cũng đồng tình việc không nên gắn giữa thời hạn sở hữu nhà chung cư với thời hạn sử dụng đất. Luật Đất đai quy định đối với đất ở là không có thời hạn, nên đất của nhà chung cư và quyền sử dụng đất của các chủ sở hữu nhà chung cư cũng không có thời hạn. "Thời hạn mà các chủ sở hữu nhà chung cư được sở hữu nhà phụ thuộc vào bản thân tòa nhà chung cư được kiểm định và đánh giá như thế nào. Chừng nào còn an toàn, sử dụng tốt thì quyền sở hữu của chủ sở hữu nhà chung cư vẫn được bảo đảm", ông Tùng nêu.
Nhà ở xã hội ế ẩm trong khi người cần không có